Phòng ngừa suy tĩnh mạch cho phụ nữ mang thai nên ăn nhiều chất xơ, thực phẩm chứa nhiều vitamin C & E, tập thể dục, giữ cân nặng theo đúng thai kỳ…
Khi mang thai, màu da vùng chân của bạn sẽ bị thay đổi với những gân máu tím đỏ xen kẽ, hình dạng thay đổi chỗ giống như mạng nhện, như con giun chỉ, có chỗ lại như một đám pháo hoa… Một số bạn tĩnh mạch nổi phồng lên to, ngoằn ngoèo như con giun đũa dưới da.
Trong quá trình mang thai, bạn dễ bị suy giãn tĩnh mạch chân là do khối lượng máu tăng lên để nuôi em bé. Những tĩnh mạch vùng chân của bạn phải làm việc để thắng trọng lực để đưa lượng máu lớn này về tim.
Thời kỳ mang thai, áp lực vùng chậu tăng và đè vào tĩnh mạch chủ ở vùng chậu, tạo áp lực lớn lên các mạch máu ở vùng chân. Đây cũng là lúc hoóc môn Progesteron được tạo ra nhiều trong thời kỳ mang thai, gây giãn mạch. Suy giãn tĩnh mạch cũng là loại bệnh di truyền từ mẹ sang.
Suy giãn tĩnh mạch không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hay gây một sự rủi ro nào cho bạn và em bé. Nếu bạn không bị suy giãn tĩnh mạch trước đó, sau sinh, bệnh có thể sẽ hết.
Cứ một lần mang thai nguy cơ bị bệnh suy tĩnh mạch sau khi sinh của bạn sẽ tăng lên, thậm chí tĩnh mạch của bạn có thể bị viêm, tạo cục máu đông gây tắc và loét.
Không có cách nào có thể làm mất hẳn tình trạng suy giãn tĩnh mạch trong thai kỳ, nhưng những mẹo nhỏ sau sẽ có ích cho bạn, nhất là để giảm nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch sau khi sinh:
– Làm cho máu lưu thông tốt. Khi có điều kiện, hãy đặt chân của bạn ngang hay cao hơn mông càng tốt. Bạn nên cử động vùng chân, xoay cổ chân, thay đổi tư thế và bỏ ngay thói quen ngồi bắt chéo chân.
– Bổ sung chất xơ, vitamin C&E.
– Bạn nên bổ sung chất xơ hàng ngày như psyllium HusK (Enesol) sẽ giúp bổ trợ tiêu hóa. Chất xơ làm mềm phân, tránh cho bạn phải rặn nhiều khi đi đại tiện. Khi táo bón hay phải rặn nhiều bạn sẽ tạo một áp lực lớn trên hệ thống tĩnh mạch và thúc đẩy nhanh bệnh lý suy giãn tĩnh mạch. Điều này còn làm bạn mắc bệnh trĩ – một căn bệnh gây nhiều đau đớn, khó chịu và bào mòn sinh lực.
– Bạn cần bổ sung hay ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều vitamin C& E (bơ, cam quýt, nho, táo…) sẽ làm tăng cường sức mạnh cho tĩnh mạch của bạn.
– Tập thể dục bằng cách đi bộ, bơi lội, nằm, nâng chân lên cao… giúp cho đôi chân của bạn thêm khỏe.
– Bạn hãy mặc đồ phù hợp cho tình trạng mang thai. Không mặc độ bó chặt nhất là đồ lót. Bạn hãy mặc đồ thoải mái và cất vào tủ những bộ đồ ôm sát người, chất liệu không co giãn tốt, tránh xa những đôi giày cao gót.
– Mang tất ép y khoa để hổ trợ cho tĩnh mạch của bạn. Lưu ý bạn phải đo chân đúng để cho size tất cho chính xác và thay đổi size ở những tháng cuối thai kỳ khi chân bạn phù nhiều.
– Bạn hãy giữ cân nặng tăng vừa phải theo đúng diễn tiến của thai kỳ. Việc tăng cân quá mức sẽ làm hệ tuần hoàn của bạn làm việc quá tải.
– Bạn nên nằm nghiêng, bên trái đặt một chiếc gối nhỏ dưới bụng để thoải mái. Tư thế nằm ngửa của bạn sẽ làm tăng áp lực cho hệ tuần hoàn vùng chân.
– Hãy đảm bảo bạn lên cân đúng với quá trình mang thai. Tổng cân nặng tăng thêm khi mang thai là 9-12kg, tăng nhiều ở 3 tháng cuối. Việc tăng cân quá nhanh quá nhiều sẽ gây áp lực nặng nề lên đôi chân của bạn.
– Không cố nâng vật nặng.
– Mát-xa cơ thể nhẹ nhàng cũng giúp ngăn ngừa chứng giãn tĩnh mạch trong thời kỳ mang thai. Bạn nên thực hiện các động tác chậm nhưng nhịp nhàng, thoải mái, cọ xát mà không có áp lực. Xoa bóp không nên kéo dài hơn 45 phút.
Bạn không nên quá lo lắng vì những biện pháp trên không chỉ giúp ngăn ngừa suy tĩnh mạch, mà còn nâng cao sức khỏe thể chất của thai phụ và thai nhi.